
Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Manchester (Anh) dường như đã giải quyết được 1 lỗ hổng quan trọng ảnh hưởng đến hiệu suất của các tấm pin mặt trời. Đáng nói, lỗi này xuất hiện ở tất cả các tấm pin mặt trời trên toàn thế giới và nó tồn tại suốt 40 năm qua.
Chi phí đầu tư hợp lý và tương đối dồi dào khiến cho năng lượng mặt trời đến thời điểm này vẫn là một trong những nguồn năng lượng tái tạo phổ biến nhất. Tuy nhiên, đa phần các cell năng lượng chỉ đạt được mức hiệu suất khoảng 20%.
Giờ đây, 1 nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết họ đã giải quyết được 1 vấn đề cơ bản để nâng mức hiệu suất này lên. Suốt 4 thập kỷ qua, hơn 270 công trình nghiên cứu được thực hiện và đến nay thì đáp án của bài toán đã có.

Giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu vấn đề ở đây là gì. Sau thời gian quan sát và đo đạc này kia thì các nhà khoa học nhận thấy sau khoảng vài giờ đầu tiên vận hành, hiệu suất thu năng lượng của các tấm pin giảm từ 20% xuống còn có 18%. Nghe có vẻ nhỏ bé nhưng nếu xét đến phạm vi lớn hơn, chênh lệch sẽ vô cùng khổng lồ.
Sau quá trình sử dụng các kỹ thuật liên quan đến ngành điện và cả quang học, các nhà nghiên cứu phát hiện một vấn đề nằm trong silicon thường dùng để sản xuất các tấm pin . Lỗi về mặt vật liệu khiến cho quá trình chuyển đổi từ quang năng sang điện năng bị cản trở, từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất điện của toàn bộ hệ thống.
Bởi tác động của môi trường và khiếm khuyết ngay trên bản thân tấm pin, chính vì lẽ đó, hiệu suất tổng thể bị hụt đi sau thời gian sử dụng. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu tiếp tục vấn đề này và một trong những việc họ đang ráo riết đó chính là đưa ra giải pháp khắc phục vấn đề nêu trên.